Giải pháp tái chế của BMT

Người đăng: vanphuongdl,Ngày đăng: 08-10-2013

Đối chiếu với tình hình sử dụng RAP lâu đời và phổ biến rộng rãi thì hiện nay ở nước ta, việc sử dụng RAP trong xây dựng các công trình đường vẫn chưa được triển khai thực sự. Trước những lợi ích về tài nguyên, môi trường, kinh tế mà công nghệ tái chế mang lại cho xã hội, Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng BMT đã thực hiện chương trình nghiên cứu trong 5 năm về “Lựa chọn và ứng dụng công nghệ tái chế mặt đường nhựa trong điều kiện tại Việt Nam”.

Theo những phân tích về ưu nhược điểm của từng công nghệ tái chế dựa vào các báo cáo khoa học trên thế giới như Hiệp hội đường nhựa châu Âu (Europe Asphalt Pavement Association – EAPA), Hiệp Hội nhựa đường quốc gia Mỹ (National Asphalt Pavement Association – NAPA), Ban Quản lý đường cao tốc Liên bang thuộc Bộ giao thông vận tải Mỹ (Federal Highway Administration – FHWA) cũng như tham chiếu tình hình sử dụng RAP trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển như Đức, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada thì việc áp dụng công nghệ tái chế tại trạm trong điều kiện nước ta là điều cấp thiết và phù hợp nhất.

Hình 1 – Công nghệ tái chế với trạm trộn chu ký tại BMT

Hình 2 – Công nghệ tái chế với trạm trộn liên tục tại BMT

1)     Về mặt tài nguyên và môi trường: công nghệ tái chế tại trạm cho phép tái sử dụng lượng RAP với khối lượng lớn ở mức độ công nghiệp, giúp giải quyết được lượng rác thải công nghiệp rắn thải ra từ các mặt đường cũ hư hỏng, tiết kiệm tài nguyên nguyên liệu đá, nhựa đường tại nước ta.

2)     Về phạm vi áp dụng: không chỉ dừng lại ở chỗ duy tu sửa chữa, nâng cấp một con đường cụ thể, công nghệ tái chế tại trạm có thể dùng để làm mới hoàn toàn cho các con đường,. Công nghệ này cho phép sử dụng RAP cho bất kì lớp nào trong kết cấu áo đường, từ lớp móng cho đến lớp mặt.

3)     Về mặt thiết kế: công tác thiết kế hoàn toàn đơn giản như đối với BTN truyền thống.

4)     Về kiểm soát chất lượng: công tác kiểm soát chất lượng khá đơn giản so với các phương pháp tái chế khác, thành phần hạt và hàm lượng nhựa được kiểm soát dễ dàng.

5)     Về công tác thi công: thi công hoàn toàn như BTN truyền thống, sử dụng các thiết bị cơ giới phổ biến có sẵn tại Việt Nam, không đòi hỏi các thiết bị chuyên dụng như các phương pháp khác.

6)     Về vệ sinh môi trường: mọi công tác được thực hiện với công nghệ khép kín giảm khí thải bằng bộ lọc baghouse, trạm được đặt xa khu dân cư nên công nghệ này hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường kể cả nơi sản xuất và nơi thi công.

7)     Về lợi ích kinh tế và dân sinh: công nghệ tái chế tại giúp tiết kiệm đến trên 30% chi phí xây dựng đường, tùy thuộc vào hàm lượng RAP sử dụng – một lợi ích lớn đối với tình hình kinh tế nước ta. Ngoài ra việc sử dụng công nghệ tái chế tại trạm giúp giảm tình trạng nâng cao cao độ mặt đường khi sửa chữa, tránh ảnh hưởng đến các hộ dân hai bên đường vốn là vấn nạn của dân sinh trong mùa mưa lũ.

Hình 3 – Quy trình tái chế mặt đường nhựa tại trạm trộn BMT

Hiện nay BMT đã trang bị đầy đủ công nghệ, thiết bị và nhân lực để thực hiện công nghệ tái chế tại trạm. Bên cạnh đó công ty cũng đã nhận được sự đồng ý cho phép thử nghiệm công nghệ này trên Quốc lộ 1A theo quyết định số 8620/BGTVT-KHCN ký ngày 20/08/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Về cơ bản công nghệ tái chế tại trạm của BMT được thực hiện theo các bước sau:
1)   Cào bóc lớp mặt đường nhựa cũ hiện hữu từ mặt đường;
2)   Vận chuyển vật liệu về trạm trộn bê tông nhựa và tồn chứa trong kho;
3)   Nghiền và sàng vật liệu RAP theo kích thước mắt sàng phù hợp để khi phối trộn với cốt liệu mới (đá dăm, cát, bột khoáng) sẽ tạo nên cấp phối cốt liệu phù hợp;
4)   Đưa RAP vào phễu chứa và vận chuyển đến buồng trộn để trộn chung với vật liệu mới theo cấp phối đã được thiết kế từ phòng thí nghiệm;
5)   Vận chuyển hỗn hợp BTN tái chế ra công trường và thi công (rải, lu lèn) như với lớp bê tông nhựa thông thường.

TS. Võ Đại Tú